Nguyệt San Số 6


Quê hương qua dòng nhạc Phạm Duy
Tác giả: NNS
Thể loại: Bút ký

****Lời Giới thiệu của V.T:  Âm nhạc là một nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả những tình cảm của con người trong cuộc sống: Vui buồn, oán hận,  thương đau, kỷ niệm..Hay phác họa hình ảnh quê hương, đất nước.v..v..Một trong những nhạc sĩ chuyên đề về quê hương có thể nhắc đến là nhạc sĩ Phạm Duy. V.T xin trích bài sưu khảo sau đây để độc giả thử đi tìm hình ảnh quê hương chúng ta qua dòng nhạc của Phạm Duy.

**CÂY ME GIÀ TRONG NGÕ
Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà
Nhà của đôi ta xinh xinh nhỏ bé
Có vườn rau xanh ngát ngoại ô
Có mùa mưa hay nắng mộng mơ
Cây me già trong ngõ
Hoa lá đổ về khuya
Mùi hương lối xóm bay đi tràn trề.
(Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà - Lệ Thu)
       Trở lại con phố cũ ở ngoại ô Sài Gòn sau hơn 20 năm xa cách. Ngày đi tôi chỉ là một đứa bé lên 12, 13, bây giờ ở lứa tuổi 35, cái tuổi có thể gọi là vào thu nữa đời. Nhưng cảm giác rạo rực bồi hồi vẫn còn như đứa trẻ con ngày nào. Ôi vườn rau và cây cầu ao ngày xưa thì không còn nữa, nhưng cây me già đầu ngõ thì vẫn còn đây, vẫn xum xuê bóng mát. Dưới tàng cây đó, tuổi thơ tôi đã lớn lên với những trò chơi con nít cùng lũ bạn trong xóm. Tôi đứng nhìn cây me già một cách say sưa, chợt mường tượng lũ trẻ con ngày xưa trở về đây làm xôn xao một trời dĩ vãng.
“Nhớ bé xưa đùa vui, rủ nhau dưới bóng hàng cây
Nấu nướng hay nhảy dây, vòng quây cuốn theo tuổi thơ
Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau lúc trên cầu
Ai ngờ dòng đời trôi cuốn mau.”
(Tuổi biết buồn - Thanh Lan)

**LỐI NGÕ KHÔNG TÊN
       Buổi tối đầu tiên ở ngoại ô Sài Gòn trời nhiều gió và chuyển mưa. Sau những cuộc viếng thăm tưởng chừng như bất tận của một số bạn bè, thân nhân, bà con trong xóm, tôi có thời gian yên lặng để thật sự ngắm nhìn lại ngôi nhà kỷ niệm một thời thơ ấu của mình. Ngày xưa dải phố này chỉ là những dãy nhà trệt ọp ẹp, tường vách chia chung với những căn nhà trong xóm. Tôi còn nhớ những cái lỗ tường thông suốt nối liền hai căn nhà mà ngày đó đã nhiều lần tôi ngắm nhìn cả gia đình nhà chuột chạy qua chạy lại. Và còn nữa tiếng mèo kêu, chó sủa, côn trùng rỉ rả xen lẫn với tiếng khóc trẻ thơ ban đêm đã làm nên bức tranh xinh động u uẩn mà đầy màu sắc của khu ngoại ô nghèo.
       Trời đổ mưa.Mưa như trút hết nước trên trời. Ðã 20 năm, 20 năm tôi đã vắng những cơn mưa Sài Gòn, mưa Tháng Sáu. Tôi và người bạn hàng xóm, cũng là bạn học ngày xưa, đi ra đội mưa tìm lại cảm giác của những lần tắm mưa thuở lên 8 lên 10. Chúng tôi đi sâu vào con hẻm lao động của những người nghèo tận cùng của xã hội. Họ là những kẻ tha hương cầu thực từ những miền quê xa xôi đổ dồn lên Sài Gòn kiếm sống. Chúng tôi đi qua những mái tranh thấp lè tè trông thật thảm thương. Từng sợi mưa ào ạt xuyên qua những mái tranh rách nát. Nước mưa lên láng trộn lẫn với bùn lầy. Nhưng trong bóng đen dày đặc đó, những người lao động này vẫn ung dung lãnh đạm với mưa, với cuộc sống đã quá quen với đói khổ nhục nhằn.
      Trong ý tưởng đó, tôi chợt nhớ tới bài hát Phố Buồn của nhạc sĩ Phạm Duy và tiếng hát liêu trai Thanh Thúy:
“Ðường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn, những mái tranh im lìm
Ðường về nhà em tối đen...”
“Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuông dưới vách, mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách, yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa lên tiếng hát, ru cơn mộng lành”
        Mưa như muốn trách sao ta chạy quanh? Những mảnh đời chạy loanh quanh với gạo chợ nước sông, ăn bữa sáng đã lo bữa tối vẫn là một cảnh tình thương tâm cho Sài Gòn nói riêng và cho Việt Nam nói chung. Tôi bất chợt nghẹn ngào nhìn qua người bạn học ngày xưa. Dù chỉ mới 35, trông anh lam lũ và khô cằn như một ông già 50, 60. Cái nghề nhà giáo của anh coi bộ chỉ đủ để cầm cự bữa cháo bữa rau cho một gia đình một vợ 4 con. Nhà của anh đối diện căn nhà củ của tôi, nhưng 20 năm qua vẫn nhà dột cột xiêu, tơi tả như bản thân anh.
Anh bước vào nhà sau một thời gian làm con nít đội mưa mà đi với người bạn cũ. Nhìn anh trong căn nhà đó, tôi chợt nhớ tới hai câu cũng trong bài hát Phố Buồn của nhạc sĩ Phạm Duy:
“Nhìn vào khe song trong anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm”
        Có thể đã mấy chục năm qua, từ khi giã từ tuổi thơ anh chưa từng có được một giấc ngủ ngon.

**CON ÐƯỜNG CỦA ÐÔI MÌNH
       Hôm nay trở lại downtown Sài Gòn, tôi và người bạn thả bộ từ nhà thờ Ðức Bà xuôi con đường Ðồng Khởi (Tự Do cũ) rồi qua Nguyễn Huệ tới trung tâm thành phố. Sài Gòn đang đầu Mùa Thu, khí trời dìu dịu có lẽ cũng nhờ trận mưa đêm qua... Những con đường rợp mát những cành me, những mái trường xôn xao những tà áo trắng. Phố xá rộn rịp chật chội và những dòng xe nối đuôi nhau như một đàn kiến vỡ tổ, không thứ tự nếu không nói là hỗn loạn. Nhưng khi rời khỏi bưu điện thành phố và Vương Cung Thánh Ðường thì con đường Ðồng Khởi trở nên vắng hơn và thứ tự hơn vì là đường một chiều.
Khi đi ngang qua trường đại học Văn Khoa cũ, tuy chỉ thấy thấp thoáng một vài bóng dáng của những tà áo trắng trên đường phố, tôi cũng nhớ tới nhạc phẩm Con Ðường Tình Ta Ði với giọng hát của Khánh Ly như ngày nào tiếng hát đó đã làm xôn xao những con đường học trò thơ mộng Sài Gòn.
“Con đường tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh..”
       Chúng tôi vào một quán café ở công viên góc đường Lê Thánh Tôn. Buổi chiều xuống dần, dòng nhạc Phạm Duy và tiếng hát Lệ Thu mênh mang trên từng con phố, trên vỉa hè, trên ghế đá công viên và trên những tàng cây rợp bóng. Trên phố chiều có nhiều cặp tình nhân nắm tay thong thả dìu nhau mặc kệ những dòng xe chen chúc.
“Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên, mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn...
......
Trả lại em yêu con đường học trò
Những chiều thủ đô tưng bừng phố xá
Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”
       Tình yêu Sài Gòn muôn thuở vẫn đi những bước khoan thai. Vẫn loanh quanh bên những hàng cây, ghế đá. Ðột nhiên tôi chợt nghĩ đến những cặp tình nhân sinh ngày xưa khi bài nhạc này được viết ra, có lẽ là thập niên 1960, 1970? Không biết giờ này họ ra sao? Bao nhiêu người còn giữ được mái tóc xanh. Bao nhiêu người tóc bạc trắng cả mái đầu? Có bao giờ họ trở lại đây tìm lại vết chân của mình bởi vì chắc chắn những dấu chân tình ái đầu đời vẫn còn in lại đâu đó trên những thảm cỏ xanh chung quanh những khung trời đại học.

**NHA TRANG NGÀY VỀ
       Lần đầu tiên trong đời tôi được ra thăm miền Trung. Trước khi rời Việt Nam tôi chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn. Cho nên dù có nghe nhiều bài nhạc viết về quê hương, dù có đọc nhiều bài văn, truyện hồi ký, tiểu thuyết nói về nét đẹp đặc thù của từng địa danh, tất cả chỉ là hình tượng nằm trong trí tưởng tượng.
Ðêm Nha Trang trời Mùa Hè không một chút gió. Trời nóng hung và ẩm ướt làm như ai tưới lên trên da hàng lít chất nhờn vừa nóng vừa bứt rứt khó chịu. Không tài nào chợp mắt, tôi rời khách sạn đi bộ ra bãi biển. Dù vẫn khó chịu với cái thời tiết khắc nghiệt, nhưng cái thoáng khí của biển cả lâu lâu được thổi cho một cơn gió nhẹ cũng làm tôi dễ chịu hơn. Tôi đi từng bước trên bãi cát, từng bước từng bước một. Chợt tiếng hát Khánh Ly cất lên trong tôi, tiếng hát trải rộng những âm điệu lắng đọng của ca khúc Nha Trang Ngày Về:
“Nha Trang ngày về mình tôi trên bãi khuya,
Tôi đi tìm thương nhớ, tôi đi tìm cơn gió
Tôi đi tìm mộng mơ năm nào
Bờ biển xanh hai đứa tôi gần nhau...”
       Và biển đêm nay cũng như đùa cợt với tôi: thỉnh thoảng lắm mới có một cơn gió nhẹ làm biển dậy lên vài con sóng. Dù đây là lần đầu tiên đặt chân đến Nha Trang, tôi cảm thấy có một sự gắn bó nào đó nhất là với biển Nha Trang ít ra là trong đêm nay.
“Cát trắng thơm tho lùa vào trong nắm tay, nào ngờ cát vỡ tuông ra lầu vàng trên bãi xa. Ân tình trong lúc đôi mươi bao giờ cũng dễ mau phai cho ngàn thông réo tên ai từ đó...”
Dù có thơ mộng và lãng mạn đến đâu chăng nữa, bãi biển Nha Trang cũng đã ngậm ngùi khóc cho biết bao nhiêu cuộc tình không trọn vẹn khi mà có vô số những con tàu đã vượt sóng ra khơi mà không hẹn một ngày về.

**QUÊ HƯƠNG XỨ DÂN GẦY
       Rời Nha Trang, quốc lộ số 1 như là một con hẻm nhỏ chạy loanh quanh dưới chân dải núi Trường Sơn ngó ra Thái Bình Dương bao la. Có lẽ người đầu hẻm cũng phải biết người cuối hẻm trong một tình cờ nào đó họ đã phải gặp nhau. Thỉnh thoảng mới qua những thành phố nhỏ, còn hầu hết chỉ là những làng chài ven biển, những mái nhà thấp nằm san xát nhau và những mảnh ruộng nhỏ vuông vắn chưa nhìn hết tầm mắt đã thấy chân núi.
Khúc ruột quê hương, một miền Trung đất cày lên sỏi đá đang hiện ra hiển nhiên và rõ rệt với cái nóng của mặt trời, cái mằn mặn của muối biển, cái khô cằn của đồng ruộng. Thành phố, con người, con sông, chiếc cầu, bến nước, cây đa tất cả như là những gì tiền sử, cổ xưa và khắc khổ.
       Và trong đầu tôi suốt mấy tiếng đồng hồ dài đằng đẳng từ Nha Trang ra Ðà Nẵng, cứ vang lên tiếng hát Thái Thanh với ca khúc bất tử Về Miền Trung của nhạc sĩ Phạm Duy. Giọng hát của Thái Thanh ngậm ngùi chia sẻ cái cảnh, cái tình của quê hương miền Trung lắng đọng mà ai oán đến chất ngất hồn người:
“Về miền Trung, miền Thùy Dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài
Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ..
Về miền Trung, người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng, điêu tàn...”
       Nhưng trong cái khắc khổ nghèo nàn đó, quê hương miền Trung lại thoát ra một vẻ đẹp lạnh lùng mà kiêu ngạo. Ðó là vẻ đẹp của một cây cổ thụ già, đã từng chịu đựng biết bao cơn hạn hán, lũ lụt, khói lửa chiến tranh mà vẫn hiên ngang đứng giữa trời.
“Về miền Trung còn chờ mong lối về đồng xanh
Một chiều phai đốt lửa rực đô thành
Tay trong tay chúng ta về quê hương cũ, không than van không sầu nhớ
Về miền Trung, đoàn người ca hát mừng thành công
Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng đêm chùng
Ðêm hôm nay tiếng dân nồng vang thôn xóm
Có tiếng hát, xao xuyến ánh trăng vàng
Hò ơi hò, hò ơi hò
Về đây vui lúa vui ngàn
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn mừng reo
Nguồn vui đã đến với dân nghèo
Con sông nước chảy tiếng chèo hò khoan...”
       Tiếng hát Thái Thanh lúc ai oán đến lịm cả cõi lòng, lúc lại véo von réo rắt bừng lên nguồn sống và vẻ đẹp của thiên nhiên của con người miền Trung.
Chưa hết, khi nhìn những người nông dân gánh lúa trên con đường chiều, tôi lại nhớ ngay đến một ca khúc khác của Phạm Duy viết về miền Trung đó là ca khúc Vợ Chồng Quê cũng vẫn phải là tiếng hát bất tử của Thái Thanh.
“Chàng là thanh niên mạch sống phơi trên luống cày
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen giòn với nụ cười son
Hỡi anh gánh gạo trên đường
Chàng ơi gạo Nam gạo Bắc
Ðòn miền Trung gánh đừng để rơi
Chàng chàng ơi gánh đừng dễ rơi...”
        Chao ôi có lẽ không còn có câu hát nào có thể diễn tả cái chắt chiu, chịu đựng của người dân miền Trung đến mức độ bóng bảy và diễm tuyệt như câu hát trên. Nó mộc mạc như ca dao mà lóng lánh những trác tuyệt của văn chương. Phạm Duy quả là một thiên tài.
 
**SAO ANH KHÔNG VỀ CHƠI THÔN VỸ?
       Huế, cuối cùng rồi thì tôi cũng đã đặt chân đến Huế, thành phố mà biết bao nhà nghệ sĩ đã tốn biết bao giấy mực để ca ngợi nét đẹp thơ mộng huyền ảo. Tôi đã đến chùa Thiên Mụ, đã viếng thăm Hoàng Thành, lăng tẩm, chợ Ðông Ba, cầu Tràng Tiền. Nhưng không hiểu sao tôi lại thích những con đường hẻm nhỏ ven dòng sông Hương với những căn nhà ngói đỏ, những khu vườn nhỏ có giàn hoa giấy và nhất là có hàng cau lung linh nắng. Bên kia sông Hương có những vườn bắp mà chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng làm cho chúng lung lay tạo nên những âm thanh vui tai. Tôi thèm nghe Hồng Vân hay Hoàng Oanh ngâm bài thơ Ðây Thôn Vỹ Dạ của cố thi sĩ Hàn Mạc Tử:
“Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền..”
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà? “
       Cũng bài thơ này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc Ðây Thôn Vỹ Dạ. Và theo tôi không có ca sĩ nào hát ca khúc này hay hơn Thái Hiền. Tôi đã xem cô hát ca khúc này trong một chương trình nhạc thính phòng năm 2003. Thái Hiền hát Ðây Thôn Vỹ Dạ với nét trong sáng và lắng đọng như tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân lên trên dòng sông Hương của một buổi chiều êm ả.
Vẫn với dòng sông Hương và những hàng Phượng vỹ, tôi lại nhớ đến câu hát:
“Sông này đây chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thấm tóc người cuối sông..”
       Ðó là ca khúc Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc từ bài thơ Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư. Riêng đối với ca khúc này tôi đã nghe rất nhiều ca sĩ thượng thặng hát rất tuyệt vời. Nhưng nếu như Thái Thanh chưa từng hát có lẽ rất khó cho tôi chọn cho mình tiếng hát nào hát bài này hay nhất. Vâng, chỉ có Thái Thanh mới tạo ra được nét êm ả cũng như những lắng đọng nội tâm đến mức độ phải gọi là thoát tục.

**MÁI NHÀ SÀN THỞ KHÓI ÂM U
       Sapa một buổi chiều cuối Tháng Tám đã đem đến cho tôi cảm giác thích thú đến ngỡ ngàng ngay từ phút đầu. Nếu như ở Sài Gòn, Nha Trang, hay Huế cuối Tháng Tám vẫn không thấy một chút lãng đãng của Mùa Thu thì ở đây Mùa Thu rất rõ nét. Trời xanh thì rất xanh, mây trắng thì rất trắng, màu trắng và màu xanh không pha lẫn vào nhau.
       Trên những ngọn đồi là màu xanh của những thửa ruộng xếp thành hình bậc thang chồng chất lên nhau rất thứ tự. Người dân H'Mong, Mường, Mán chiếm đa số. Những ngôi làng nằm thoai thoải dưới chân đồi có suối nước trong vắt như gương, trong đến nỗi có thể thấy được từng viên sỏi nhỏ dưới đáy nước sâu. Nhưng xa hơn nữa vẫn thấy thấp thoáng những làn khói lam chiều tỏa ra từ những ngôi nhà tranh mọc thưa thớt trên những ngọn núi cao. Sapa đẹp tuyệt vời như tranh vẽ của một họa sĩ tài hoa.
       Và trong cái mênh mông của núi đồi, những làn khói tỏa ra trên những ngọn núi cao đua hồn tôi lạc vào những cung bậc của âm thanh và ca khúc Nương Chiều của nhạc sĩ Phạm Duy.
“Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về dục mỏ xa xôi ơi chiều
Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi ơi chiều...”
Vẫn phải là tiếng hát Thái Thanh, bao la chới với tan loãng vào buổi chiều của núi đồi sơn cước. Tôi thích nhất là câu:
“Chiều ơi mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư ơi chiều”
Người dân Sapa hiếu khách, hiền hòa lại có giọng nói rất ấm và tình tứ. Các cô gái thiểu số trắng trẻo duyên dáng làm sao. Tôi sẽ nhớ mãi câu hát mà chàng thanh niên Mường đã dạy cho tôi, rất dí dỏm:
“Cô gái Hơ Mông bên bếp lửa
Chàng trai Mường Tè đứng cạnh bên”

**TIẾNG HÁT SÔNG LÔ
       Rời Sapa bằng quốc lộ 10 chuyển qua quốc lộ 7 qua Lào Cay, Yên Bình, đến hồ Thác Bà thì nhập vô quốc lộ số 2 đến Việt Trì thì gặp sông Lô.
       Sông Lô và sông Ðà là hai phụ lưu quan trọng nhất của sông Hồng. Phát nguồn từ Vân Nam Trung Quốc, đến lãnh thổ Việt Nam thì chảy qua núi rừng Việt Bắc, Hà Giang, Tuyên Quang, rồi xuôi về Nam qua Sơn Tây dưới chân núi Ba Vì đến gần Hà Nội thì đổ vào sông Hồng. Dòng sông Lô đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm đất nước nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhạc sĩ Văn Cao đã viết ca khúc Trường Ca Sông Lô và nhạc sĩ Phạm Duy thì có ca khúc Tiếng Hát Trên Sông Lô.
“Trên bến sông Lô thuyền tôi buông lái như mơ
Sau lúc phong ba thuyền tôi qua bến qua bờ
Ai nhớ sông Lô thực dân lên cướp dân ta
Tôi nhớ sông Lô ngày xưa chôn xác quân thù”
       Tôi đã có dịp nghe nhiều ca sĩ hát ca khúc này, nhưng có lẽ nhớ nhất là tiếng hát hùng hồn mà trữ tình của nam ca sĩ Elvis Phương. Giờ đây được ngắm nhìn dòng sông Lô phơi mình trên những thửa ruộng cao, lòng tôi bồi hồi xúc động nhớ tới những người xưa, những chàng trai trẻ trong quân đội thời đó vừa đánh giặc vừa làm thơ vừa viết nhạc như Phạm Duy, Văn Cao, Quang Dũng và nhiều nữa. Họ là những nhân chứng sống và qua ngòi bút qua âm nhạc đã để lại cho đời không phải chỉ là những bài thơ hay, những dòng nhạc đẹp mà còn là cả một bài học lịch sử cho thế hệ mai sau.

**BÓNG NÂU TRÊN ÐƯỜNG BƯỚC DỒN
       Trên khắp các nẻo đường từ miền Nam ra Bắc, tôi đã đi qua không biết bao nhiêu làng mạc, những cánh đồng có khi nhỏ nhắn, có khi bao la trải dài đến tận chân trời. Nhưng chiều nay trên con đường quốc lộ 2 từ Việt Trì về Hà Nội, khi nhìn thấy những con đê cao, những bóng áo nâu đang rảo bước trên con đường đê, những mảnh ruộng màu nâu đỏ và những mái nhà tranh tỏa khói lam chiều, tôi thèm nghe một âm điệu quê hương mang nét dân ca quan họ. Và có lẽ vì dòng nhạc Phạm Duy đã ám ảnh tâm hồn tôi thật mãnh liệt nhất là với cảnh đẹp tuyệt vời của đồng ruộng miến Bắc, đã đưa tâm hồn tôi bay nhảy theo ca khúc Tình Hoài Hương và tiếng hát Thái Thanh.
“Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn
Nước tuông trên đồng ruộng vắng
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vằng tiếng lúa đê mề
Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất
Lớp tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non làng khói âm hương thôn...”
       Ngày còn học ở đại học Berkeley, tôi có một người bạn tri kỷ văn nghệ, trong một dịp trò chuyện về tiếng hát Thái Thanh, anh có nói với tôi rằng:
Thái Thanh có lối thả chữ rất độc đáo làm cho câu hát đi sâu vào lòng người thưởng ngoạn, như những câu “Bướm quơ râu ngơ ngác bay ngang”, “ai lướt đi ngoài sương gió”, “Chờ mong em chín đỏ trái sầu” hay “lại khóc lại cười chuyện ngắn chuyện dài” và nhiều lắm. Nhưng nếu phải chọn ra một câu tiêu biểu nhất, hay nhất tuyệt vời nhất thì tôi sẽ chọn câu Bóng nâu trên đường bước dồn trong ca khúc Tình hoài hương của Phạm Duy”.
       Phải, “bóng nâu trên đường bước dồn” Thái Thanh hát lạ lùng lắm. Người nghe cảm nhận ngay cái đậm đà màu sắc đồng quê với giọng ca thật đậm đà màu sắc dân ca của Thái Thanh. Giọng hát thật đầy dường như cô đang đùa giỡn với tiết điệu một cách hết sức tự nhiên dễ dàng mà vô cùng nghệ thuật. Chỉ với một câu thôi, người nghe cảm nhận được thời gian, không gian, màu sắc, âm thanh và cả cảm giác nữa. Cái cảm giác của sự ấm cúng như chia sẻ với bước chân người áo nâu đó khi đang rảo chân bước dồn trên con đường đê để sớm về nhà quây quần bên gia đình qua bữa cơm chiều.
Quả thật là đỉnh cao của nghệ thuật!

**TIẾNG HÒ MIỀN NAM
       Tôi yêu lắm dòng sông Cửu Long, yêu say đắm những địa danh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Cái Bè, Vĩnh Long, An Giang. 20 năm sống xa quê hương tôi vẫn luôn thả hồn vào những bài ca tình tự quê hương, những câu vọng cổ, những âm điệu dân ca miền Nam. Và những đêm lạnh lẽo ở xứ người, chỉ cần nghe giọng ca não nuột của nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan hát bài Thư Xuân Ðất Khách cũng sẽ làm cho tôi nhớ da diết quê hương miền Nam của tôi dù chưa một lần đặt chân đến vùng đất đó.
       Khi tôi nghe ca khúc Tiếng Hò Miền Nam lần đầu tiên qua tiếng hát của nữ ca sĩ Băng Châu, tôi cứ tưởng rằng người nhạc sĩ sáng tác bài này phải là một người miền Nam, một người miền Nam rặt ròng đúng điệu “bắt con cá gô bỏ trong gỗ kêu gồ gồ”. Bởi vì âm điệu ngũ cung quá gần gũi với những thể điệu cải lương của ông Cao Văn Lầu, hay soạn giả Viễn Châu. Nhưng khi biết đó là nhạc của Phạm Duy, thật sự tôi không tưởng tượng nổi.
“Quê em ở tận Hà Tiên, có hạt tiêu cay có tình quyến luyến
Ðưa em tới miền Cần Thơ dưới ngàn dừa xinh trái thơm ngọt ngào”.
       Nếu như người ta cho rằng nhạc sĩ tài ba phải là thiên phú thì thiên phú ở đây quả rất rõ ràng, hiển nhiên như sự có mặt của con sông Tiền sông Hậu từ muôn thuở. Chàng trai miền sông Hồng đã bị mảnh đất miền Nam chinh phục, phải chăng vì cảnh hay tình? Sông nước miền Nam dưới ngòi bút Phạm Duy đẹp đẽ vô cùng chính là nhờ sự giản dị trong ngôn từ, trong thể điệu. Nếu nghe câu “Rừng chiều gió thổi vi vu, mẹ hiền nựng bé ngủ mơ” mà không ai khỏi cảm nhận được cái hồn quê lai láng. Những điều làm cho người ta cảm động nhất thường xuất phát từ những điều giản dị nhất.
       Còn một số ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy viết về đất nước và con người miền Nam như bài Hò Lơ, Bà Mẹ Phù Sa cũng rất tuyệt vời. Tôi thích nghe nữ ca sĩ Hoàng Oanh hát Bà Mẹ Phù Sa với chất giọng bình dị và trong sáng của cô. Bà Mẹ Phù Sa là một tuyệt chiêu của nhạc sĩ Phạm Duy viết đầu thập niên 1960 có tính chất khôi hài châm biếm cho cuộc chiến tranh thời đó và qua hình ảnh của bà mẹ miền Nam này người nghe cảm thấy vừa tức cưới vừa chua xót cho những éo le của cuộc chiến.

**CỬU LONG GIANG
“Cửu Long Giang, trôi về ôm ấp đất hoang,
Thiết tha như gái yêu chồng, trong chiều mênh mông”.
       Cửu Long hay Mê Kông, chảy từ thượng nguồn ở tỉnh Thanh Hải Trung Quốc, trên độ cao 5,200 mét, dòng sông băng qua cao nguyên Tây Tạng với những thảo nguyên mênh mông vắt vẻo ở lưng trời, chảy dài suốt 4,900 cây số với 250 cây số cuối cùng ở miền Nam Việt Nam lại xòe ra như chín con rồng trước khi ra đến biển. Cửu Long Giang, vùng đất tường chừng như hoang dại đối với những người đi khai phá đất mới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đã trở nên một vùng đất cực kỳ màu mỡ, đồng ruộng “Cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”.
       Khác với những ca khúc như Tiếng Hò Miền Nam, Bà Mẹ Phù Sa, Hò lơ, bài hát Cửu Long Giang được viết theo kiểu nhạc hợp xướng. Bài nhạc có nét hùng hồn như dòng chảy của sông Cửu Long, có đoạn tha thiết như tình yêu quê hương đất nước ruộng vườn. Nữ ca sĩ Thái Thanh đã từng hát ca khúc này với dàn hợp xướng Sài Gòn, và ở hải ngoại ban hợp xướng Ngàn Khơi cũng đã trình bày ca khúc này nhiều lần.

**CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
       Rồi mơ ước cũng đã thành sự thật, tôi đã có dịp đến thăm vùng đất sông Cửu Long thân yêu này. Tôi đã ghé Bến Tre bằng đường sông từ chợ Gạo Mỹ Tho băng qua sông Tiền ở gần cửa Bình Ðại. Tôi đã ghé chợ nổi Cái Răng ngoại ô thành phố Cần Thơ phía Tây của dòng sông Hậu để vừa thưởng thức những món ăn ngon trên sông vừa thưởng thức những câu vọng cổ. Tôi cũng đã ghé thành phố Long Xuyên, thành phố lớn thứ nhì miền lục tỉnh.
       Chiều hôm đó một buổi chiều Tháng Chín khí trời mát mẻ, tôi và một người bạn đã theo con tàu du lịch chạy xuôi dòng sông Hậu từ Long Xuyên hướng về phà Bình Minh, Cần Thơ trên một đoạn đường sông dài khoảng 50 cây số.
       Chiều xuống, chiều xuống dòng sông trở nên gần gũi biết bao. Trong cái mênh mông của dòng sông của một buổi chiều yên tĩnh, tôi lại thả hồn theo ca khúc Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy.
“Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong ơi chiều
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng xa yêu kiều
Buồn tôi không vì sao bỗng dưng?
Theo đò ngang quá giang hương chiều
Bởi vì thương nhiều nên nhớ tình yêu
       Tôi không phải là người lữ khách theo đò ngang quá giang như nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi cũng không thể nào có được những cảm giác chỉ nhìn hàng cây gỗ rong trôi lềnh bềnh trên sông nước mà tự hỏi cuộc đời sẽ đi về đâu. Ðó là ngôn ngữ của những nhạc sĩ tài hoa. Tôi chỉ biết rằng tôi đang thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh, đắm chìm trong từng lời ca tiếng nhạc để có thể cảm nhận được cái đẹp của dòng sông, cũng như cảm nhận được tâm tình của nhạc sĩ Phạm Duy bởi vì:
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lửng lơ, có khi tuông sầu úa
Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca cho đời thôi sầu héo
       Phải, đời có khi là mơ là thơ, có buồn có vui như dòng sông có lúc lên lúc xuống, có lúc Cửu Long cũng tưởng như cạn dòng trong mùa hạn hán nhưng rồi nó cũng mênh mông trong mùa nước lũ. Chỉ có những buổi chiều như chiều nay, người ta có thể ngắm nhìn dòng sông mà hiểu về cuộc đời nhiều hơn. Mỗi người hiểu khác nhau và không ai giống ai.
Tiếng hát Thái Thanh, ôi tiếng hát đậm đà quyện theo từng con sóng. Từng con sóng sau dồn lên sóng trước. Màu nước đã bớt đục theo ánh nắng dìu dịu của buổi chiều mà tiếng hát vẫn đậm đà da diết.
Chiều buông trên dòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều
Về đây bọt bèo tuông khắp nơi
Vui buồn cho có đôi không nhiều
Ngày mai sông về quê mến yêu
Cho trùng dương cũng theo hương chiều
Bể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu...”
       Ðêm nay tôi sẽ ngũ qua đêm ở Cần Thơ rồi sáng ngày mai sẽ trở về cái náo nhiệt của Sài Gòn. Nhưng tôi cũng xin mượn những lời nhạc bóng bảy trữ tình của Chiều Về Trên Sông để gởi đến dòng sông Cửu Long huyền thoại này một chút tình tôi, một chút buồn, một chút vui, một chút suy nghĩ về cuộc đời. Hy vọng tất cả sẽ theo bọt bèo phù sa trôi về đại dương mênh mông.

**TẠ ƠN ÐỜI
       Trở lại Sài Gòn chỉ còn 1 tuần nữa là trở về Hoa Kỳ, nên tôi dành hầu hết thì giờ để nghỉ ngơi. Cái thú ở Sài Gòn là lang thang trên đường phố, ngồi uống café với một vài người bạn. Bạn bè ngày xưa thì chẳng còn ai, chỉ còn lại anh bạn hàng xóm mà cũng là bạn học cùng trường thời tiểu học. Chúng tôi tâm sự rất nhiều về cuộc đời, về con người, về cái sống và cái chết.
       Trong số các ca khúc viết về cuộc đời, thân phận con người tôi thích nhất là ba ca khúc Tưởng Niệm của nhạc sĩ Trần Tử Thiêng, Một Cõi Ði Về của Trịnh Công Sơn Tạ Ơn Ðời của nhạc sĩ Phạm Duy.
Trong ca khúc Tưởng Niệm, cuộc đời đầy dẫy những sự không ngờ, mới vừa nghiêng tai để nghe lại cuộc đời thì hoàng hôn đã trờ tới, “đang mân mê cuộc đời nở hoa” lại “chợt bàng hoàng đến kỳ trăng trối” và “đang say mê cuộc tình lộng lẫy” thì “bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay”.
       Dù cuộc đời như con gió, dù cuộc đời là những chuyện buồn bất ngờ nhưng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vẫn nhìn cuộc đời với sự ưu ái và tri ân. Ông đã cám ơn người tình “mang ơn em cho cuộc tình ta, là kỷ niệm dù không đầm ấm”, ông đã cám ơn Thượng Ðế “mang ơn trên cho cuộc đời ta, vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ”. Trầm Tử Thiêng nhìn cuộc đời với sự bao dung, tha thứ và chấp nhận.
       Một Cõi Ði Về của Trịnh Công Sơn theo tôi là một thông điệp mang tính triết học Phật Giáo. Ðời là bể khổ, đời là cõi tạm mà Trịnh Công Sơn cho là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” hay “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Tình yêu được (hay bị?) ông gọi là “con tinh yêu thương”. Và khi con tinh yêu thương “vô tình chợt gọi” thì trong ta mới “hiện bóng con người”.
       Chết theo Trịnh Công Sơn là trở về quê hương, còn cuộc sống lại là một chuyến đi xa., còn tuổi trẻ của ông lại là “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Cái nhìn về cuộc đời của Trịnh Công Sơn buồn bã quá, bất lực quá.
       Chúng ta dễ dàng thấm nhận nỗi cô đơn mà Trịnh Công Sơn đã viết trong ca khúc Một Cõi Ði Về. Ðó là nổi cô đơn của kiếp người, của tình yêu và của số phận mà không ai trong chúng ta đã không có lần trải qua. Có lẽ vì thế mà ca khúc Một Cõi Ði Về rất phổ biến và được nhiều thế hệ ca sĩ liên tục trình bày.
Nhưng cuộc đời dưới cái nhìn của Phạm Duy thì lại khác.
“Tim vang còn giây lát
Môi run còn thơm ngát
Dương gian còn trong mắt
Nghe tiếng hát chưa nhạt tan
Bao nhiêu là thương mến
Bao nhiêu là quyến luyến
Với bao nhiêu niềm xao xuyến
Ðời vắng xa như mẹ hiền”
       Cuộc đời theo Phạm Duy rất đáng sống. Cho nên đến giây phút cuối cùng, khi trái tim chỉ còn đập được một vài giây, trái tim vẫn còn vang tiếng hát, môi vẫn còn thơm tiếng hát và tiếng hát vẫn chưa nhạt tan lời hát Tạ Ơn Ðời.
“Ôi một lần nương náu
Ði trên đời chẳng lâu
Trăm con mùa xuân héo
Tay hái biết bao niềm yêu
Bao eo xèo nhân thế
Chưa phai lòng say mê
Với đôi ba lần gian dối
Ðời vẫn ban cho ngọt bùi...”
       Cũng như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy cũng mang nặng triết lý Phật Giáo khi ông diễn tả đời là cõi nương náu. Nhưng nếu Trịnh Công Sơn đối diện với cái chết bằng sự chấp nhận của định luật luân hồi thì Phạm Duy muốn dâng lên cuộc đời lời cảm tạ cho những gì đời đã ban cho ta. Dù đời có eo xèo, dù bản thân có đôi ba lần gian dối, nhưng đời vẫn cho ông ngọt bùi để ông muốn hát lên lời cảm tạ trong giây phút cuối cùng.
Ba ca khúc Tưởng Niệm, Một Cõi Ði Về và Tạ Ơn Ðời đều là những tuyệt tác Văn chương. Tùy theo mỗi con người và cũng có thể tùy theo mỗi giai đoạn trong cuộc sống mà chúng ta có những cảm nhận khác nhau.

**KỶ NIỆM
       Ngày cuối cùng ở Sài Gòn. Chị tôi đưa cho tôi một tấm hình của gia đình chụp năm 1971. Tấm hình trắng đen chụp ba mẹ tôi với một đàn con 8 đứa. Ba mẹ tôi ngồi ngay giữa các anh chị lớn đứng chung quanh. Mẹ tôi bồng thằng em út lúc đó mới sinh ra, còn cha tôi thì bồng tôi và hình như tôi đang mếu đòi qua mẹ. Ôi mới đó mà đã ba mươi mấy năm. Cha tôi đã không còn trên cõi đời này, còn mẹ tôi thì đã bạc trắng mái đầu.
“Cho tôi lại ngày nào, trăng lên băng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu”.
       Tôi không biết phải nói gì ở đây, chỉ biết nâng niu, chắt chiu từng hình ảnh của ngày xưa. Lũ kỷ niệm chợt kéo về, từng ngọn đèn dầu, từng củ khoai luộc, tô canh chua thơm vừa ngọt vừa cay và ánh mắt trìu mến của mẹ hiền. Tôi nhớ những người bạn cùng trường. Những thầy cô giáo thân thương lúc nào cũng khen tôi học hành giỏi dan lại biết kính thầy nhường bạn. Tôi lại nhớ đến những lần mê chơi năm mười mười lăm hai mươi với lũ trẻ con đến bỏ ăn bị mẹ la...
“Cho tôi lại còn nhiều, cho tôi lại tình yêu
Tôi không đòi khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu, dễ khóc dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu, cho tôi lại ngày đầu...”
       Tôi không còn kiềm chế được cảm xúc nữa, có một chút vị mặn trên bờ môi. Nghe ca khúc Kỷ Niệm tự nhiên tôi lại thấy có nhiều điểm tương đồng với ca khúc My Way. Nếu như nhạc phẩm My Way và tiếng hát của Frank Sinatra được xem như ca khúc bất tử của thế giới thì ca khúc Kỷ Niệm của Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh cũng phải được xếp ngang hàng về giá trị nghệ thuật văn học. Hay nói một cách khác Kỷ Niệm của Phạm DuyMy Way của Việt Nam chăng?

**TÌNH CA
       Máy bay cất cánh, tôi nhìn lần cuối cùng thành phố Sài Gòn đang chìm đắm dưới cơn mưa cuối Tháng Chín với một niềm lưu luyến bâng khuâng. Chỉ trong chốc lát nữa đây dải đất hình cong như chữ S sẽ bị mây che khuất.
       Tôi nhớ lại những nẻo đường Việt Nam đã đi qua trong chuyền về thăm quê hương lần này. Quê hương Việt Nam thật đẹp, con người Việt Nam thật đẹp. Nhưng nét đẹp của quê hương của con người Việt Nam lại càng đẹp hơn, sắc sảo hơn khi nó được tưới lên bởi dòng nhạc Phạm Duy.
Từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội, từ sông Hương, sông Hồng đến Cửu Long, khắp các địa danh từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng bềnh bồng dòng nhạc Phạm Duy. Ngay cả lúc chỉ ngồi yên để nhìn một áng mây trời cũng có cơn gió của nhạc Phạm Duy thổi ngang, hay những lúc nhìn một đám gỗ dính đầy rong rêu trôi lềnh bềnh trên sông, hay nhìn giọt mưa rơi trên lá thì nhạc Phạm Duy cũng len vào cõi lòng ta những triết lý sâu xa, những suy tư về tình yêu thân phận con người.
       Tình yêu trong cõi nhạc Phạm Duy mang nhiều chất thơ và lung linh màu sắc. Những nàng thiếu nữ “Em Pleiku má đỏ môi hồng”, hay cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ “ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo vờn bay”, cho đến “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ” là những hình ảnh trong trắng của tình yêu đầu đời. Những chàng bạch diện thư sinh như gả từ quan lên non tìm động hoa vàng, anh chàng sinh viên hỏng tú tài đi ngang trường luật nhìn thấy người yêu để thốt lên câu “Thà như giọt mưa khô trên mặt em”. Tình yêu của ông dù có kết thúc vẹn toàn hay khổ đau đều là những tình yêu đẹp. Ðối với Phạm Duy tình yêu rất đẹp và rất đáng để người ta lao đầu vào để nếm tất cả vị ngọt mặn chua cay của tình yêu.
       Nhạc quê hương của Phạm Duy là bà mẹ quê với tấm áo nâu trọn đời chỉ biết cần lao. Bà mẹ Việt Nam của Phạm Duy không ngồi ru con than vãn cho “thế giới hận thù, chiến tranh ngục tù”, nhưng là người mẹ dấn thân, hy sinh lam lũ và chịu đựng. Bà mẹ Việt Nam của Phạm Duy gà gáy trên đầu ngọn tre đã thức giấc đi ra phiên chợ sớm, là “lão bà quẳng gánh kẽo kẹt vai gánh, môi trầu mà tươi đám cỏ xanh”, là hình ảnh của “mẹ tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao”. Những thăng trầm lịch sử, trôi nổi của quê hương hình như được gắn liền qua hình ảnh của bà mẹ. Từ xa xưa lắm Phạm Duy đã viết “Bà Tư bán hàng có bốn thằng con” rốt cuộc cả 4 đứa con của bà đều chết. Rồi bà mẹ Gio Linh có đứa con bị cắt đầu, bà mẹ phù sa mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi.. Cho dù chiến tranh có tàn phá, quê hương có điêu tàn đến đâu hình ảnh mẹ Việt Nam vẫn bất diệt vẫn khoan thai, vẫn bao dung và vẫn che chở cho đàn con qua bao nhiêu vinh nhục của cuộc sống, qua những sóng gió của cuộc đời.
       Nhạc quê hương của Phạm Duy cũng là hình ảnh của cha ngồi xem báo “bên cây đèn dầu hao”, là tiếng còi tàu vang lên trong một đêm mùa khô ráo, là chiếc bóng nâu bước dồn trên con đường đê khi hoàng hôn xuống, là chiếc áo chàm in hình vào sương núi chơi vơi, là tiếng hát nghêu ngao của em bé chăn trâu “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”. Nhạc quê hương của ông là những cánh đồng, con sông, chiếc cầu, con đê, bụi tre, khóm trúc, là hình ảnh con trâu nằm mộng trên đồi chờ trẻ mục đồng thổi lên tiếng sáo chơi vơi... rồi đến công viên, ghế đá, những con đường phố lớn thênh thang, những lối ngõ không tên, là em lễ chùa này, là nóc nhà thờ, là cây thánh giá, là trường Gia Long, Trưng Vương, là trường Văn Khoa, trường Luật... và còn nhiều nhiều lắm. Kể làm sao cho hết sự đa dạng của dòng nhạc Phạm Duy?
       Tôi nhìn qua khung cửa sổ và chỉ thấy mênh mông là mây. Mây đã che khuất quê hương Việt Nam của tôi. Nhưng tôi biết rằng ở dưới những đám mây dày đặc đó là một mảnh đất màu nâu đen hình cong như chữ S đang nằm vươn mình ra biển rộng như lời của nhạc phẩm Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy:
“Tôi yêu đất nước tôi
Nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành”.
.............................................................................

NNS